Bệnh Không Lây NhiễmHuyết Áp

Cảnh báo: Bệnh tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa và cách phòng bệnh

Công bố mới này của Hội Tim mạch Việt Nam và Servier Việt Nam đã khiến không ít người Việt Nam phải sốc.

Bệnh tăng huyết áp tại Việt Nam gia tăng ở độ tuổi 25

Tăng huyết áp, còn được gọi là cao huyết áp, là một tình trạng mà trong đó các mạch máu liên tục tăng áp lực. Tăng huyết áp được coi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi nó hiếm khi gây ra các triệu chứng khiến nhiều người không hề biết là mình đang mắc phải. 

Khi những áp lực trong mạch máu cao hơn thì trái tim càng gặp khó khăn hơn trong việc phải làm việc để bơm máu. Nếu không được kiểm soát, tăng huyết áp có thể dẫn đến một cơn đau tim và cuối cùng là suy tim. Áp suất trong mạch máu cũng có thể gây ra chảy máu vào trong não. Điều này có thể gây ra một cơn đột quỵ. Tăng huyết áp cũng có thể dẫn đến suy thận, mù lòa, vỡ mạch máu và suy giảm nhận thức.

Một khi đã được chẩn đoán tăng huyết áp, người bệnh cần ý thức được việc thay đổi các thói quen lối sống không tốt và kiểm soát tốt huyết áp ngay từ giai đoạn đầu với sự hỗ trợ của bác sĩ. Mục tiêu của điều trị tăng huyết áp là để kéo dài tuổi thọ và tránh biến chứng đối với các cơ quan quan trọng như tim, não, thận và mắt.

Chúng ta đang sống trong một môi trường thay đổi nhanh chóng. Khắp nơi trên thế giới, có rất nhiều tác nhân mạnh mẽ đang ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ con người như lão hóa dân số, các vấn đề từ việc đô thị hóa ồ ạt và lối sống không lành mạnh. 

Thực tế cho thấy hiện các căn bệnh không lây nhiễm như: tim mạch, ung thư, tiểu đường đã vượt qua các căn bệnh truyền nhiễm và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Bệnh tim mạch đang là nguyên nhân dẫn đến con số 17 triệu người chết mỗi năm, chiếm gần 1/3 tổng số các ca tử vong trên toàn cầu. Trong số này, có 9,4 triệu ca tử vong là do biến chứng của tăng huyết áp. Tăng huyết áp đang chiếm ít nhất 45% các ca tử vong do bệnh tim mạch và 51% các ca tử vong do đột quỵ. 

Theo báo cáo của Hội Tim mạch Việt Nam, tăng huyết áp đang ngày càng trở thành một vấn đề lớn đối với y tế cộng đồng. Số liệu mới nhất từ chương trình phòng chống tăng huyết áp quốc gia cho thấy, tỷ lệ các ca mắc bệnh trên 25 tuổi chiếm 47,3%, con số này tương đương xấp xỉ 20,8 triệu bệnh nhân. Khả năng mắc bệnh ở nam giới cao hơn nữ giới với tỷ lệ tương ứng là 56,4% và 42,6%. 

GS.TS Nguyễn Lân Việt (Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam) cho biết, mỗi năm trên thế giới có khoảng 17,5 triệu người bị tử vong vì các bệnh tim mạch. Trong các bệnh tim mạch, tăng huyết áp là bệnh lý phổ biến nhất trong cộng đồng. Đây cũng là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất gây nên nhiều biến cố tim mạch nguy hiểm, thậm chí có thể khiến người bệnh tử vong. 

Theo ông, ngay từ năm 2008, kết quả điều tra dịch tễ học tại 8 tỉnh thành phố của nước ta cho thấy, tỷ lệ tăng huyết áp ở những người lớn từ 25 tuổi trở lên đã là 25,1%. 

Những dấu hiệu cảnh báo đầu tiên của bệnh tăng huyết áp

Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, những dấu hiệu đầu tiên của bệnh tăng huyết áp có thể là đau đầu, chóng mặt, cảm thấy có ruồi bay trước mắt, tiếng o o trong tai, đôi khi bệnh không có biểu hiện gì nhưng khi phát hiện thì đã bị tai biến mạch máu não (biểu hiện có thể là đang nói bình thường tự nhiên bị nhịu, méo miệng, rối loạn vận động, tê bì chân tay, liệt nửa người…). 

“Mỗi người cần nâng cao ý thức khám sức khỏe định kỳ và đo tăng huyết áp thường xuyên” là lời khuyên của GS.TS Nguyễn Lân Việt.

Làm thế nào để phòng tránh tăng huyết áp? Theo ông Việt, chúng ta cần học tập chương trình giáo dục của Canada: Nên ăn nhạt hơn, uống bia ít đi, bạn sẽ thấy tăng huyết áp giảm đi đáng kể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button